Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Giới thiệu về các kỹ thuật ghi nhớ

Các công cụ được viết trong tag này sẽ giúp bạn cải thiện trí nhớ. Không những có thể nhớ các thông tin một cách chính xác, bạn sẽ nhớ được cả cấu trúc của thông tin. Việc học cách ghi nhớ được chia thành 2 giai đoạn. Đầu tiên bạn sẽ học các kỹ thuật ghi nhớ, sau đó là thực hành bằng cách sử dụng chúng để ghi nhớ những con người, những cái tên, những ngôn ngữ, các thông tin cho một kì thi, v.v…
      Cũng giống như mọi công cụ khác, càng thực hành nhiều bạn sẽ càng sử dụng chúng hiệu quả. Tôi sẽ giới thiệu nhiều phương pháp ghi nhớ vẫn được những người biểu diễn trí nhớ sử dụng. Nếu nỗ lực luyện tập đầy đủ bạn sẽ có thể có trí nhớ tốt như họ. Kể cả nếu không có đủ thời gian để đạt được trình độ như vậy thì các kĩ thuật này vẫn hữu ích cho bạn trong đời sống hàng ngày.

Các quy tắc dễ nhớ

Quy tắc dễ nhớ là một cách khác dùng để chỉ công cụ ghi nhớ. Các quy tắc dễ nhớ là các kĩ thuật giúp ghi nhớ các thông tin mà bình thường khá là khó nhớ, ví dụ như số ngày của các tháng trong năm.

Mục đích của việc sử dụng các quy tắc dễ nhớ là để mã hóa những thông tin khó nhớ theo một cách dễ ghi nhớ hơn.

Trước đây bộ não của chúng ta đã phát triển để mã hóa và giải thích những sự kích thích phức tạp, ví dụ như các hình ảnh, màu sắc, cấu trúc, âm thanh, mùi vị, xúc giác, vị trí, cảm xúc và ngôn ngữ. Chúng ta sử dụng những sự kích thích này để lập nên những mô hình phức tạp về thế giới chúng ta đang sống. Trí nhớ của chúng ta lưu trữ chúng rất hiệu quả.

Không may là ngày nay rất nhiều thông tin mà chúng ta phải ghi nhớ lại được thể hiện theo một cách khác, cụ thể là qua những chữ được in hoặc viết trên giấy. Mặc dù viết là một phương pháp tinh vi và hiệu quả trong việc việc chuyển tải những lí luận phức tạp, bộ não của chúng ta lại không thể dễ dàng mã hóa những thông tin được viết ra, khiến việc ghi nhớ những thông tin này trở nên khó khăn.

Vậy phải làm thế nào để ghi nhớ thông tin một cách hiệu quả?

Sử dụng toàn bộ tâm trí để ghi nhớ

Ý tưởng quan trọng ở đây là: bằng việc sử dụng những hình ảnh sinh động trong tâm trí để mã hóa thông tin, bạn sẽ có thể mã hóa chúng một cách đáng tin cậy cả về nội dung và cấu trúc. Và bởi những hình ảnh là sinh động, bạn sẽ dễ dàng nhớ ra chúng khi cần.

Những kĩ thuật được giới thiệu sau đây trong tag này sẽ giúp bạn mã hóa thông tin một cách sinh động bằng cách sử dụng những câu chuyện, những hình ảnh bền vững trong tâm trí, những hành trình quen thuộc, v.v…

Bạn có thể làm những điều sau đây để khiến các quy tắc dễ nhớ của bạn dễ ghi nhớ hơn:

- Sử dụng những hình ảnh rõ ràng và thú vị. (Bộ não của bạn thường phớt lờ những điều đáng ghét).

- Sử dụng những hình ảnh rõ ràng, nhiều màu sắc và tác động đến nhiều giác quan (bởi chúng dễ nhớ hơn là những hình ảnh đều đều buồn tẻ).

- Sử dụng tất cả các giác quan để mã hóa thông tin hoặc làm một hình ảnh trở nên dễ nhớ hơn. Nên nhớ rằng quy tắc dễ nhớ của bạn có thể chứa đựng âm thanh, mùi, vị, xúc giác, chuyển động, cảm xúc và hình ảnh.

- Tạo cho hình ảnh cần nhớ của bạn có 3 chiều, có chuyển động và có không gian để nó sinh động hơn. Bạn có thể sử dụng chuyển động để duy trì dòng liên tưởng hoặc để ghi nhớ các hành động.

- Phóng đại kích cỡ của các phần quan trọng trong hình ảnh.

- Sử dụng sự hài hước! Những điều buồn cười và kì dị thường dễ nhớ hơn những thứ bình thường.

- Tương tự, những giai điệu mạnh mẽ thường rất khó quên!

- Những biểu tượng (đèn đỏ giao thông, ngón tay đang chỉ, biển báo giao thông, v.v…) có thể dùng để mã hóa rất nhanh và hiệu quả những thông điệp khá phức tạp.

Thiết kế các quy tắc dễ nhớ: Sự tưởng tượng, Sự kết hợp và Sự định vị

3 nguyên lí cơ bản của việc sử dụng các quy tắc dễ nhớ là: sự tưởng tượng, sự kết hợp và sự định vị. Dùng những nguyên lí này cùng với nhau bạn sẽ có thể lập ra những hệ thống hiệu quả về các quy tắc dễ nhớ.

Sự tưởng tượng: là những gì bạn sử dụng để tạo ra và tăng cường những sự kết hợp cần thiết nhằm có được những quy tắc dễ nhớ hiệu quả. Sự tưởng tượng của bạn là những gì bạn dùng để tạo ra những quy tắc dễ nhớ phù hợp với bạn. Bạn càng tưởng tượng và hình dung nhiều hơn về một tình huống thì nó sẽ khắc sâu vào tâm trí bạn hơn để rồi sau đó bạn sẽ có thể nhớ lại. Hình ảnh được sử dụng trong các quy tắc dễ nhớ của bạn có thể dữ dội, sinh động hoặc tác động đến giác quan nhiều đến mức nào cũng được, miễn là nó giúp bạn ghi nhớ.

Sự kết hợp: đây là phương pháp theo đó bạn liên kết một thứ cần phải nhớ với một cách để ghi nhớ nó. Bạn có thể tạo ra sự kết hợp bằng cách:

Đặt chúng lên nhau.

- Để chúng va chạm với nhau.

- Kết hợp các hình ảnh với nhau.

- Để chúng bao bọc lẫn nhau.

- Làm chúng xoay quanh nhau hoặc để chúng nhảy múa cùng nhau.

- Kết nối chúng bằng cách sử dụng màu sắc, mùi vị, hình dạng hoặc cảm xúc.

Ví dụ, bạn có thể kết nối số 1 với một con cá vàng bằng cách hình dung một mũi xiên có hình dạng giống số 1 đang được sử dụng để xiên con cá.

Sự định vị: cho bạn 2 thứ: thứ nhất là một khung cảnh mạch lạc để bạn có thể đặt các thông tin lên sao cho chúng hiện ra cùng nhau, thứ hai là một cách để phân chia các phương pháp dễ nhớ. Bằng việc bố trí một phương pháp dễ nhớ trong một thị trấn riêng biệt, ta có thể phân biệt nó với một phương pháp dễ nhớ tương tự được đặt trong một thành phố. Ví dụ, bằng việc đặt một phương pháp ở Wimbledon và một phương pháp tương tự ở Manhattan chúng ta sẽ có thể phân biệt chúng mà không bị lẫn. Bạn có thể sử dụng những mùi vị và không khí của những địa điểm này trong các phương pháp dễ nhớ của bạn để tăng cường cảm xúc về sự định vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét